Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là Bộ trưởng thứ 3 đăng đàn trả lời chất vấn, sau Bộ Nông nghiệp và Văn hoá - Thể thao - Du lịch.
Sau 3 phút báo cáo của Bộ trưởng Tiến, 58 đại biểu đã đăng ký chất vấn. Các câu hỏi mà đại biểu hỏi có thể tạm nhóm lại như: thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả chữa bệnh; giá thuốc và việc quản lý; cơ sở khám chữa bệnh; các vấn đề của bảo hiểm y tế.
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương, đoàn Tây Ninh nêu vấn đề giá thuốc ở Việt Nam đang cao hơn so với khu vực, giá cũng bị chênh lệch trong các địa phương và đề nghị Bộ trưởng nêu ý kiến.
Trả lời, Bộ trưởng khẳng định giá thuốc Việt Nam không cao hơn so với thế giới. Bộ trưởng cho biết, thứ nhất, sau khi ban hành các thông tư đồng bộ thực hiện Luật Đấu thầu, Nghị định Đấu thầu, thị trường thuốc của Việt Nam không tăng cao.
Thứ 2, trong CPI, những mặt hàng thiết yếu thuốc đứng vị trí thứ 9 – 10, không tăng đột biến.
Thứ 3, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, như IMF gần đây thì giá thuốc biệt dược ở Việt Nam thấp hơn 10% so với 6 nước trung bình ASEAN. Trong khi đó, Philippines và Thái Lan cao hơn lần lượt là 37% và 19%. Riêng với thuốc gốc (generic) cho các bệnh như ung thư, tim mạch, tiểu đường Việt Nam thấp hơn 33%, trong khi Philippines và Indonesia cao hơn lần lượt 72% và 20%.
“Do đó, không thể nói giá thuốc của chúng ta cao hơn thế giới”, Bộ trưởng nói.
Cũng trong đầu phiên chất vấn, những tồn tại, bất cập của ngành y như quá tải bệnh viện, chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh ở tuyến dưới (huyện và tuyến xã) vẫn còn hạn chế chưa được người dân tin tưởng cao: Tai biến y khoa xảy ra rải rác tại các bệnh viện cả tuyến dưới và tuyến trên; Lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị tại một số bệnh viện… cũng được các đại biểu quan tâm đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Chiến phản ánh tình trạng quá tải cơ sở y tế dẫn đến y bác sĩ thiếu tôn trọng người bệnh, trong khi ở nước ngoài nhân viên y tế "cúi rạp người cảm ơn bệnh nhân khi xuất viện". “Vậy ở nước ta, Bộ trưởng có biện pháp thường xuyên nào để cải thiện việc này?".
Về y đức, Bộ trưởng Y tế thừa nhận có tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Vừa qua ngành đã có chương trình đổi mới toàn diện, áp dụng nhiều biện pháp như đường dây nóng, lắp đặt camera…, chế tài nghiêm khắc với các sai phạm. Hơn 7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật
Theo Trí thức trẻ |